Nội dung
Những lời truyền miệng như không ăn thịt hoặc trứng gà để chữa ung thư, được chuyên gia dinh dưỡng cho rằng là “tin vịt” gây hoang mang cộng đồng.
Chuyên gia dinh dưỡng Trương Kiện, Trung tâm Y học Đặc chủng Pháo binh, Bắc Kinh, Trung Quốc, giải thích “đây là những hiểu lầm tai hại”.
Hiểu lầm 1: Ăn thực phẩm chống ung thư để ngăn ngừa ung thư
Sự thật: Một số thực phẩm có chứa thành phần chống ung thư, nhưng chỉ dựa vào mỗi thực phẩm đó để chống ung thư là điều không thực tế. Ví dụ, súp lơ xanh luôn được mệnh danh là “nữ hoàng chống ung thư”. Tuy nhiên, số liệu nghiên cứu cho thấy, nếu bạn muốn ăn súp lơ xanh đạt hiệu quả chống ung thư thì phải ăn gần 3 kg mỗi ngày. Theo cách ăn này, chúng ta không thể dung nạp thêm các thực phẩm khác, dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng. Ăn quá nhiều súp lơ còn gây hại cho sức khỏe.
Hiểu lầm 2: Xạ trị đốt cháy cơ thể
Sự thật: Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư phổ biến. Khi sử dụng tia xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư, đôi khi sẽ xuất hiện một số phản ứng phụ như nổi mẩn đỏ, mụn nước, tổn thương da, buồn nôn, ói mửa… Nếu được chăm sóc, điều trị đúng, bệnh nhân sẽ phục hồi và không gặp di chứng. Công nghệ xạ trị ngày càng tiến bộ khiến liệu pháp an toàn hơn, giảm tác dụng phụ, trở thành một trong ba công nghệ chính trong điều trị ung thư.
Hiểu lầm 3: Bệnh nhân ung thư không được ăn trứng gà
Sự thật: Sụt cân nhanh chóng là một trong những biểu hiện của ung thư, vì các tế bào ác tính cần rất nhiều chất dinh dưỡng trong quá trình tăng sinh, khiến người bệnh tiêu hao chất dinh dưỡng, hao mòn sức khỏe. Bệnh nhân ung thư có nhu cầu về các chất dinh dưỡng cao hơn người bình thường, bao gồm cả protein.
Trứng gà là nguồn cung cấp protein rất tốt lại dễ hấp thu đối với bệnh nhân ung thư. Vì vậy, người bệnh có thể ăn trứng gà để bồi bổ cơ thể, tăng cường thể lực và nâng cao sức đề kháng. Bệnh nhân nên ăn trứng luộc hoặc canh trứng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ tiêu hóa protein với các loại trứng luộc nguyên vỏ lên tới 99,7%, gần như được cơ thể hấp thụ hoàn toàn.
Hiểu lầm 4: Ăn ít cơm sẽ làm cho các tế bào ung thư “chết đói”
Sự thật: Trước đây, có một số bài báo viết rằng các tế bào ung thư rất thích đường, vậy nên bệnh nhân ung thư không nên ăn quá nhiều đường, thậm chí ăn ít cơm để làm “chết đói” tế bào ác tính. Trên thực tế, các tế bào ung thư có thể hấp thụ nhiều đường glucose và các chất dinh dưỡng khác hơn các tế bào bình thường.
Ung thư là một căn bệnh hao mòn mạn tính. Bệnh nhân ung thư cần bổ sung nhiều chất dinh dưỡng hơn để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, chống lại bệnh tật. Nhịn ăn không những không làm cho các tế bào ung thư “chết đói” mà ngược lại sẽ làm suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, không có lợi cho việc điều trị. Dĩ nhiên, ăn ít đường sẽ giúp giảm béo phì và các bệnh tim mạch.
Hiểu lầm 5: Dùng thuốc giảm đau gây nghiện, nhiều tác dụng phụ
Sự thật: Đối với bệnh nhân ung thư, khi có cơn đau, vẫn cần dùng thuốc vì hai nguyên nhân chính:
Một mặt, nâng cao chất lượng cuộc sống là một trong những mục đích trị liệu chính của bệnh nhân ung thư. Những cơn đau không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày, chất lượng cuộc sống, mà còn gây lo lắng, chán ăn, mất ngủ, tinh thần tổn hại, khiến bệnh tình trầm trọng hơn.
Mặt khác, thuốc giảm đau chủ yếu chia làm hai loại. Một là nhóm opioid tác dụng lên hệ thống trung khu thần kinh, loại thuốc này có tính gây nghiện. Hai là thuốc giảm đau loại không opioid, không gây nghiện, trong lâm sàng thường được gọi là “thuốc giảm đau không steroid”, như aspirin, ibuprofen và paracetamol.
Nếu bạn không quá đau, bác sĩ sẽ kê loại thuốc giảm đau này. Khi dùng thuốc giảm đau nhóm opioid, bạn tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa thì sẽ không bị “nghiện”.
Nguồn: https://vnexpress.net/